Như chúng ta ngồi thiền là để làm gì? Đó là một phương hướng để phát sáng trí tuệ sẵn có của mình. Thật ra trí tuệ sẵn nơi mình đã tự sáng rồi, trong nhà Phật gọi đó là ông Phật của mình. Giác ngộ là Phật, tức từ tánh giác đó sáng ra, chớ không ở đâu hết. Ngoài thế gian học bao nhiêu năm, đi chỗ này chỗ kia lấy cấp bằng này cấp bằng nọ, lượm lặt của người làm của mình, nhưng không có gì thật là của mình hết. Còn chúng ta gạt hết tất cả những thứ bên ngoài, để cho tâm trong sáng, rồi tự nó thấu suốt tất cả, đó là cái thật của mình. Cái thật này ai cũng có, ai cũng làm được mà lâu nay chúng ta bỏ quên. Vì bỏ quên nên ta trở thành kẻ khờ dại ngu si, đi trong luân hồi muôn kiếp. Ngày nay nếu biết trở lại sống với cái chân thật của mình thì dòng luân hồi ngang đây chấm dứt.
Như vậy sự tu, sự học của mình là việc làm phi thường, thế gian không thể bì kịp. Song nhiều khi chúng ta lại xem thường nó, ham học cái của người, cái sanh diệt mà quên khơi lại cái không sanh không diệt của chính mình. Cho nên đức Phật Bổn Sư Thích Ca của chúng ta ngồi dưới cội Bồ-đề tới đêm bốn mươi chín Ngài giác ngộ. Khi giác ngộ viên mãn Ngài tuyên bố thành Phật và tuyên bố “Ta học đạo không có thầy”. Ai dạy Ngài trong lúc đó? Chính vì tâm an định nên Ngài sáng ra, nên Phật nói được đạo mà không ai dạy…
.
⋆ Trí thức và trí tuệ ⋆ Thích Thanh Từ ⋆
(trích Hoa Vô Ưu tập 8)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau #ThichThanhTu