SÁNG TẠO

Sáng tạo không phải là lên đồng hay cầu cơ và nghệ sĩ ngồi đó như một xác không hồn để cho ngọn gió từ phương xa, tinh thần từ thế giới khác nhập vào và nó chỉ việc sản xuất như máy đã được nhấn nút.

Nghệ sĩ không phải là con ngài đến ngày tháng đột nhiên hoá thành bướm và hào quang của tác phẩm, như phấn mầu trên cánh, do những ngón tay mầu nhiệm của thần linh, một tạo hoá hay một vì sao tốt chiếu mệnh đột nhiên chói lọi trên vai. Không có vấn đề này đây một chú bé chẳng viết lách bao giờ bỗng một ngày đẹp trời nào đó ngồi bên bàn viết, sau đó đứng lên và lập tức Nguyễn Du, Shakespeare, Dante, Hugo bỗng mờ đi như sao buổi sáng. Không có vấn đề này đây nhà văn không bao giờ nghĩ ngợi về nghệ thuật, không bao giờ ý thức về nghệ thuật, chỉ ăn và ngủ lì bì, rồi thỉnh thoảng thức giấc, ngọn gió kỳ diệu liền thổi vào trong mắt, truyền vào trong tay, bay lượn trên giấy và sáng mai các nhà phê bình văn học cúi đầu chào tác phẩm lớn ra đời. Huyền thoại về những thiên tài sáng tạo không ý thức như cô gái bán hàng được nhà đạo diễn tình cờ khám phá, thi sĩ tý hon, nhạc sĩ thần đồng vung tay thành thơ, mỉm cười thành nhạc chỉ làm những người yêu giai thoại văn chương thán phục nhưng chỉ làm mỉm cười những người làm văn nghệ.

Valéry đã nói đầy đủ về thiên tài và cảm hứng thần thánh. Người sáng tạo, dưới mắt tác giả Vari étés, nếu chỉ sáng tạo nhờ cảm hứng, nhờ thiên tài, sẽ đóng vai của một liên lạc viên, một cơ quan chuyển tiếp, truyền tin. Và làm thế nào có thể hãnh diện về vai trò “của một nhân viên truyền tin” nhắc lại lời nói đến từ thế giới khác? Làm thế nào không hổ thẹn vì những cơn mê sảng tiên tri hay thần thánh đó?

Cảm hứng, cần lắm. Ít nhiều tài năng bẩm sinh, cần lắm. Nhưng điều kiện cần thiết ấy chưa đầy đủ. Ngọn gió kỳ diệu có đủ sức mạnh thổi những vần lục bát đầu tay thành bài trường thiên dài rộng, biến những mẩu tuỳ bút học trò thành cuốn tiểu thuyết cốt cách, sửa nét bút chì vụng dại thành bức tranh sơn dầu to khoẻ chỉ có thể là sự làm việc ngày đêm mà Buffon gọi là “sự kiên nhẫn lâu dài” mà tôi gọi là sự làm việc ý thức. Ý thức nằm trong sự “xé-đi-viết-lại”, trong cặp mắt mở to ban đêm, trong hơi thuốc buổi sáng. Ý thức về nghệ thuật, về sự sáng tạo bất khả phân với tác phẩm. Ý thức có mặt trước khi, trong khi và sau khi cấu tạo tác phẩm. Bởi thế những câu hỏi phải được nêu lên: Ý thức về nghệ thuật đó như thế nào? Ý thức về nghệ thuật là ý thức về những cái gì? Những khía cạnh nào? Ý thức về nghệ thuật nhắm đến những khía cạnh nào, khuôn mặt nào của nghệ thuật? Và ý thức ấy xuất hiện ra làm sao, theo một quá trình nào?
.
⋆ Một bông hồng cho văn nghệ (trích) ⋆ Nguyên Sa

⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#NguyenSa

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s