
Cách đây mấy thế kỷ, có bảy nhà sư sống trong một hang động trong rừng đâu đó ở châu Á. Họ đang thiền quán về tình thương vô điều kiện mà tôi đề cập trong câu chuyện vừa rồi. Các nhà sư gồm có một sư cả, người em trai của vị ấy, và người bạn thân nhất của sư. Người thứ tư là một người thường chống lại sư, một người rất khó gần gũi. Người thứ năm là một vị sư già, già đến độ có thể ra đi bất cứ lúc nào.
Người thứ sáu là một người đang bị bệnh – nặng đến nỗi cũng có thể chết bất cứ lúc nào. Và người cuối cùng, người thứ bảy, là một người vô dụng. Khi ngồi thiền thì ông sư này ngáy, khi tụng kinh thì lại quên trước quên sau, nếu nhớ thì tụng lạc điệu. Sư mặc áo cũng không đúng cách. Nhưng những người khác cũng chịu đựng, và cám ơn sư vì nhờ sư mà họ tập được hạnh kham nhẫn.
Một hôm có một băng cướp phát hiện ra hang động. Nó rất xa xôi và kín đáo cho nên bọn cướp muốn dùng để làm nơi trú ẩn. Họ quyết định giết hết mấy vị sư. May thay, vị sư cả là một người có tài ăn nói. Sư thuyết phục được bọn họ – đừng hỏi tôi sư nói cách nào bằng lòng để cho các sư ra đi, chỉ giết một người nhằm cảnh cáo những người khác đừng tiết lộ vị trí hang động. Sư không thể yêu cầu họ làm gì tốt hơn. Họ cho sư cả ít phút để suy nghĩ và đưa ra quyết định ai sẽ là người hy sinh cho những người khác được tự do.
Khi tôi kể câu chuyện này cho thính chúng, tôi thường ngừng lại và đặt câu hói: “Theo bạn thì sư cả chọn người nào?”. Những câu hỏi như thế làm cho những người đang buồn ngủ khỏi thiếp đi, còn người ngủ rồi phải tỉnh dậy. Tôi nhắc lại rằng có vị sư cả, người em sư, người bạn thân, người ghét sư, vị sư già, vị sư bị bệnh gần chết, vị sư vô dụng. Bạn nghĩ xem sư cả chọn ai. Có người nêu ý kiến cho rằng sư chọn người ghét sư. Tôi nói, “Không phải”. “Người em”. “Sai”.
Vị sư vô dụng luôn luôn được thính chúng nhắc đến – chúng ta thật thiếu độ lượng biết bao! Sau khi đùa vui một chút, tôi cho họ biết rằng sư cả không thể nào chọn ai.
Tình thương của sư dành cho người em cũng không hơn, không kém tình thương dành cho người bạn thân, cũng ngang với tình thương dành cho người ghét sư, cho vị sư già, vị sư bệnh, và cho cả vị sư vô dụng. Trong lòng sư đã chan hòa tình thương vô điều kiện. Lúc ấy sư cũng đang diễn đạt thông điệp: “Cánh cửa trái tim tôi luôn luôn mở ra với tất cả các bạn, dù các bạn làm gì, dù các bạn là ai”.
Cánh cửa trái tim của sư cả rộng mở cho tất cả mọi người, với một tình thương vô điều kiện, không phân biệt, tuôn chảy mênh mang. Và điều đáng chú ý là tình thương dành cho người khác cũng ngang với tình thương sư dành cho chính mình. Cánh cửa trái tim sư cũng rộng mở cho chính mình. Vì vậy sư không chọn ai được.
Tôi nhắc nhở những người Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo trong số thính chúng rằng sách của họ có nói “hãy yêu thương người hàng xóm như yêu chính mình”. Không yêu mình nhiều hơn, mà cũng không ít hơn, yêu người ngang với yêu mình. Có nghĩa là yêu người như yêu mình, yêu mình như yêu người.
Tại sao hầu hết các thính giả của tôi đều nghĩ rằng sư cả nên chọn mình làm người bị giết? Tại sao trong nền văn hóa của chúng ta lại luôn khuyên nên hy sinh mình cho người khác và xem đó là điều tốt? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi ở mình, tự phê bình hay trừng phạt mình nhiều hơn bất cứ ai khác? Tất cả vì một lý do thôi: chúng ta chưa học cách làm thế nào để yêu thương chính mình.
Nếu bạn thấy khó mà nói với người khác, “Cánh cửa trái tim tôi luôn mở rộng với bạn, dù cho bạn làm gì đi nữa”, thì lại càng khó khăn gấp vạn lần khi tự nói với mình rằng, “Cái tôi ơi, người thân thiết nhất đời của tôi, cánh cửa của trái tim tôi luôn mở rộng ra với chính mình, với toàn bộ con người của chính mình, bất kể tôi đã làm gì đi nữa. Xin mời vào”.
Đó là điều tôi muốn nói khi nói hãy yêu thương chính mình; nó được gọi là sự tha thứ. Đó là cất bước ra khỏi nhà tù của mặc cảm tội lỗi; đó là hòa giải với chính mình. Và nếu bạn đủ can đảm để nói những lời ấy với chính mình, một cách thành thật, trong thế giới riêng tư của chính mình, thì bạn sẽ vươn lên để đón nhận tình thương cao quí.
Một ngày nào đó, tất cả chúng ta phải tự nói với chính mình những lời ấy, hay những lời tương tự, với lòng thành, không hề đùa giỡn. Khi làm như thế, một phần trong con người chúng ta, phần bị khước từ, phần sống trong ghẻ lạnh bấy lâu, sẽ như được trở về nhà. Chúng ta sẽ cảm thấy được đoàn tụ, được trọn vẹn, được tự do hưởng hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta yêu thương chính mình theo cách như vậy chúng ta mới thật sự biết yêu thương người khác, không hơn, không kém.
Và xin hãy nhớ rằng bạn không cần phải hoàn hảo, không tỳ vết, thì mới ban tặng cho mình tình thương như thế. Nếu bạn chờ cho tới khi hoàn hảo thì việc ấy không bao giờ đến. Chúng ta phải mở cửa trái tim mình để đón nhận chính mình, cho dù mình đã làm bất cứ chuyện gì đi nữa. Một khi vào bên trong rồi, chúng ta mới hoàn hảo.
Người ta thường hỏi tôi chuyện gì xảy ra cho bảy nhà sư đó khi sư cả nói với băng cướp là không thể lựa chọn ai.
Câu chuyện mà tôi nghe cách đây đã lâu không cho biết rõ đoạn kết. Nó ngừng ở đó, ở chỗ tôi ngưng lại. Nhưng tôi biết chuyện gì xảy ra tiếp theo; tôi hình dung rất rõ kết quả. Khi sư cả giải thích cho băng cướp lý do vì sao sư không thể chọn lựa giữa sư và người nào khác, và nói rõ ý nghĩa của tình thương và sự tha thứ mà tôi vừa trình bày với các bạn thì băng cướp rất cảm kích và hứng khởi đến độ không những họ để cho các nhà sư được sống mà chính họ cũng trở thành các nhà sư!
⋆ Mở cửa trái tim của bạn ⋆ Ajahn Brahm
(Trần Ngọc Bảo dịch)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#AjahnBrahm