
Mỗi khi tâm tư lạc lõng, hoang mang mà không biết trú ngụ vào đâu, hoặc phát hiện ra mình đang bị cuốn theo dòng suy tưởng miên man hay cơn bão cảm xúc mà không tách ra được, ta hãy sử dụng ngay “bửu bối” mà mình đã cất công mài dũa, đó là kỹ năng quay về chú ý và cảm nhận những gì đang có mặt trong hiện tại, cảnh vật quanh ta hay động thái cử chỉ của ta. Có một thứ nữa, rất diệu kỳ, giúp ta có thể nương tựa dễ dàng và lâu bền, đó chính là hơi thở.
Hơi thở cũng thuộc về thân, ngoài ra nó còn là nhịp cầu nối giữa thân và tâm vì nó phản ảnh được phần nào những gì đang xảy ra trong tâm.
Ta có thể tiếp xúc với hơi thở qua sự phồng xẹp của bụng, khi bụng phồng lên tức là hơi thở đi vào, khi bụng xẹp xuống tức là hơi thở đi ra. Công việc của ta là cứ thư giãn và chú ý vào tiến trình phồng xẹp của bụng qua ba giai đoạn: bắt đầu phồng lên – đang phồng lên – phồng lên xong, bắt đầu xẹp xuống – đang xẹp xuống – xẹp xuống xong. Không cần biết gì khác, chỉ có phồng và xẹp thôi.
Để dễ dàng chú ý vào tiến trình phồng xẹp, ta có thể đặt nhẹ cánh tay lên bụng vài phút. Nằm là dễ cảm nhận nhất nhưng dễ chìm vào giấc ngủ, còn đứng lâu sẽ mỏi và dễ phân tâm, nên ngồi là phù hợp nhất để phát triển định tâm.
Hơi thở luôn có sẵn và vận hành theo tốc độ của riêng nó, nên khi mượn nó để thực tập ta không được can thiệp vào: không được cố gắng làm cho bụng phồng to lên hay dùng lực để ép bụng xẹp lép xuống; không được kéo hơi thở dài ra hay làm cho hơi thở ngắn lại; cũng không được ém hơi thở cho nhẹ nhàng hay gò hơi thở cho êm ái. Chỉ đứng qua một bên, thả lỏng và chú ý thôi.
Hơi thở tự nhiên sẽ cho ta cảm giác dễ chịu, thư thái và chuyên chú lâu bền; hơi thở bị điều khiển sẽ khiến ta hồi hộp, căng thẳng và không thể tập trung.
Muốn năng lực tỉnh thức phát triển mạnh hơn, ta có thể chuyển qua cảm nhận, bằng cách tìm hiểu kỹ phẩm chất từng hơi thở vào và ra. Hơi thở như thế nào cũng được, không quan trọng, dù hơi thở nhẹ và êm sẽ khiến ta dễ chịu hơn. Nhưng nhất định không tìm kiếm, không ép uổng; nhẹ và êm phải là kết quả tự nhiên. Ta chỉ cần biết là đủ. Cũng đừng đọc lầm bầm câu thơ câu kệ nào đó hay hì hục đếm hơi thở, vì như vật sẽ làm mất đi khả năng cảm nhận trực tiếp, mà, nếu không có khả năng này ta sẽ không thể nào nhận diện và chuyển hóa phiền não.
Dĩ nhiên tâm ta cũng không dễ gì chịu ngồi yên với hơi thở đâu, nó vẫn đi tìm những gì nó ưa thích. Mỗi lần phát hiện tâm phóng đi, hãy cứ hoan hỷ và nhẹ nhàng đưa nó trở về chơi với hơi thở, từ từ sẽ thân quen với nhau thôi.
Thở, thở và thở… Bất cứ nơi nào, ở đâu, ta cũng có thể kết nối và nương tựa vào hơi thở, dù những lúc ổn định thì ta cũng cần hơi thở để phát triển năng lực định tâm. Vấn đề còn lại là ta phải biết cách ứng dụng bài tập này sao cho linh động và nhuần nhuyễn: khi nào chỉ nên chú ý vào các đối tượng xung quanh hay công việc, khi nào chỉ nên chú ý vào hơi thở, và khi nào có thể kết hợp cả hai.
Thực hành đi rồi sẽ thấy hơi thở mầu nhiệm và có uy lực không ngờ!
⋆ Nương tựa vào hơi thở ⋆ Minh Niệm
(trích Làm như chơi)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau #MinhNiem