
Trong Kinh Pháp Cú, kệ 228, Đức Phật nói: “Chưa từng bao giờ, hiện tại không bao giờ và sẽ không bao giờ có một người luôn bị đổ lỗi hoặc một người luôn được tán dương”. Đúng vậy. Tôi không thể nói tôi là một vị thầy lớn, vì tôi vốn biết sự tồn tại của mình đem lại rắc rối cho một số người. Tôi không thể nói “người thầy tốt”, nhưng mặt khác, tôi cũng không thể nói “người thầy xấu”. Vậy bạn phải thấy một bức tranh với hai thứ tồn tại, liên tục hoán đổi cho nhau. Có một bài thơ của Gensho Ogura như sau:
Thấy người không ưa từ một khoảng cách;
Thấy người yêu thích kề bên;
Đến gần hơn nữa với người không ưa;
Đi xa khỏi người yêu thích.
Đến gần và đi xa,
cuộc sống sao mà thú vị!
Thông thường, chúng ta chỉ muốn ở gần người mình ưa. Khi thấy người mình không ưa, chúng ta luôn muốn tránh xa. Đây là điều tự nhiên, nhưng ngược lại, đôi khi chúng ta phải đến gần hơn với người đó. Khi ấy, chúng ta mới thật sự hiểu người đó. Không thể luôn giữ khoảng cách với người mình không ưa và luôn ở gần người mình yêu thích. Vậy, nơi mình phải an trụ có phải là một nơi nhất định, mà tại đó chúng ta luôn có thể ở gần người mình mong muốn ở gần không? Đây có phải là nơi chúng ta an trụ để nhìn thấy bức tranh toàn cảnh trong sự bình đẳng không? Không. Chúng ta có nên tránh xa người mình không mong muốn ở gần? Đây cũng không phải là nơi cho chúng ta. Vậy nơi cho chúng ta an trụ phải là bức tranh toàn cảnh, tại đó chúng ta thấy được nhiều thứ đang liên tục hoán đổi cho nhau. Tuy nhiên, nơi đó rất ổn định, kiên cố, không thể lay chuyển. Nếu bạn không hiểu, có một cách để trải nghiệm điều này. Bạn phải hào hiệp, rộng lượng, nhân từ, trắc ẩn, và bạn phải là niềm vui. Niềm vui này không phải là sự ưa thích; niềm vui này đến tự nhiên từ đáy lòng. Nếu bạn rộng lượng dù chỉ trong một khoảnh khắc, niềm vui sẽ đến từ đáy lòng. Niềm vui nghĩa là sự cảm kích, biết ơn. Dù bạn không thấy sự cảm kích hay biết ơn ấy, nhưng nếu trở nên rộng lượng hoặc hào hiệp trong bất kỳ tình huống nào mình rơi vào, khi ấy niềm vui, sự cảm kích và biết ơn sẽ từ nền tảng khởi lên, giống như nước suối chảy ra từ núi, bởi lẽ bạn là một sinh linh, bạn là Phật. Đó chính là biết, chấp nhận và thực chứng. Đó là ý nghĩa của nhận ra chân lý mọi chúng sinh là Phật.
Điểm thứ hai biểu thị sự thể nhập Phật đạo là khát vọng sâu xa và kiên định sống cuộc sống của mình trong sự an bình và hòa hợp với mọi chúng sinh. Đây là cảnh giới Phật, tại đó chúng ta thấy bức tranh toàn cảnh của cuộc sống hoán đổi cho nhau, người này ở bên người khác, liên tục đan xen vào nhau. Thế gian luôn thay đổi, nên chúng ta luôn cảm thấy bất an. Thực tế, tâm ta, cuộc sống của ta lúc nào cũng chao đảo, chúng ta luôn phàn nàn vì có quá nhiều chướng ngại. Nhưng, về căn bản, tất cả những gì chúng ta phải làm là liên tục mang theo khát vọng sâu xa kiên định này, ý nguyện sống an bình và hòa hợp với mọi chúng sinh này. Và chúng ta phải sống ý nguyện này theo lời Phật dạy, theo cuộc sống của Phật, không phải theo ý tưởng riêng của mình. Đó là ý nghĩa của “trong ánh sáng của Phật”.
Điểm thứ ba biểu thị sự thể nhập Phật đạo là giúp đỡ mọi chúng sinh. Chúng ta có nhiều cách để giúp. Sử dụng giấy vệ sinh cẩn thận cũng là đang giúp người khác. Đừng kỳ vọng sự giúp đỡ to tát. Trong cuộc sống hàng ngày, lúc nào chúng ta cũng có thể giúp đỡ ai đó hay cái gì đó. Đây là giáo huấn thiền. Đây là mục tiêu của sự thể nhập Phật đạo.
Thấy được cơ hội đi vào Phật đạo tức là thấy được cách lật một cái lá mới. Nó là bước đầu tiên đi vào một thế giới mới dù bạn không biết. Để đi vào Phật đạo, chúng ta nên thấy và tạo ra cơ hội này, nhưng nếu không hiểu cơ hội này, bạn đừng thúc ép bản thân, đừng rút lui, đừng hèn nhát. “Đừng hèn nhát” nghĩa là bạn nên chủ động tạo ra cơ hội lớn này một cách tích cực. Hầu hết mọi người nếu không hiểu sẽ rút lui; bạn nên tiến tới.
Dù ít hay nhiều, ý thức hay vô thức, mọi người đều đang tìm kiếm một điều tối thượng. Bạn có thể không hiểu, nhưng đó là lý do bạn tới thiền đường (zendo) và thực hành tọa thiền. Bạn hiểu tọa thiền như thế nào? Bạn không hiểu rõ, nhưng một thứ gì đó buộc bạn thực hành lối tu tập này. Đây thực sự là một cách sống tích cực. Bạn đang tạo ra cơ hội lớn vì muốn tìm kiếm một điều tối thượng, dù không biết nó có nghĩa là gì. Mọi người đều có năng lực này.
.
⋆ (trích) Trở về yên lặng ⋆ Dainin Katagiri
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#DaininKatagiri