TRI KỶ

Phần đông chúng ta tin rằng tri kỷ là người nào đó hiểu mình hoàn toàn, thương mình và chấp nhận mình một cách vô điều kiện. Có lần trong khi học tiếng Hán-Việt, tôi khám phá ra từ “tri kỷ” với một nghĩa hoàn toàn khác với khái niệm thông thường. “Tri” là biết, là nhớ, là làm chủ, và “kỷ” là chính mình. Vậy thì “tri kỷ” là người biết, nhớ, và làm chủ được… chính mình! Đó là một giây phút bừng tỉnh trên con đường tu học của tôi. Theo ý nghĩa này của từ “tri kỷ”, ta khám phá ra rằng người mà ta khổ công tìm kiếm đã sẵn hiện hữu trong ta rồi! Khi ta biết chính mình, nhớ nghĩ đến chính mình và làm chủ được chính mình là ta khám phá ra con người thật bên trong, thông hiểu ý nghĩa của cuộc đời và xác định ta nên sống như thế nào với quãng đời còn lại trên Trái đất này.

Làm sao có được tình yêu đích thực để có thể nhớ, biết, và làm chủ chính mình? Ta có thể làm chủ được những gì ta tư duy và tôi luyện đêm ngày. Trong tiếng Trung Hoa, chữ “niệm” có phần trên là “kim” nghĩa là bây giờ, và phần dưới là “tâm”. “Niệm” nghĩa là tâm bây giờ và cũng có nghĩa là nhớ, biết. Từ chánh niệm hay mindfulness ngày nay đang trở thành một từ thời thượng, theo mốt! Nhưng chánh niệm trong cốt lõi của nó là một loại năng lượng tiềm tàng của loài người. Thực tập chánh niệm hàng ngày giúp cho khả năng sống trong hiện tại được tăng tiến, do đó ta có thể nhớ và biết rõ những gì đang xảy ra bên trong và bên ngoài mình để thực sự chăm sóc được hình hài, cảm xúc, tư duy và nhận thức của mình.

Bụt dùng hình ảnh của mặt trăng để mô tả sự dịu dàng, kín đáo và khả năng ôm ấp của chánh niệm. Khi mặt trăng mới nhô lên, nó im lặng xuất hiện ở chân trời, tỏa ánh sáng dịu dàng trên mọi cảnh vật. Càng lên cao, trăng càng sáng và ánh sáng tỏa rộng cùng khắp các bụi tre, vòm cây, cả các góc nhỏ trong rừng. Mỗi sự vật đều có ánh trăng soi chiếu và chính nó lại phản chiếu ánh trăng.

Tính chất dịu dàng, kín đáo và khả năng ôm ấp của ánh trăng có thể ví với chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng dịu hiền, lặng lẽ, nhẹ nhàng, kín đáo nhưng có khả năng ôm ấp được tất cả các góc cạnh của cuộc đời ta. Nó thẩm thấu vào từng lỗ chân lông và cùng khắp các bộ phận của cơ thể. Khi ta có ý thức về hơi thở, về bước chân, về giọt sương đọng trên lá, ý thức đó cũng nhẹ nhàng và dịu dàng như ánh trăng. Nhưng sự trong sáng, tĩnh lặng, bàng bạc của chánh niệm đã thẩm thấu vào trong con người của ta. Ta cảm thấy mình có tương quan với giọt sương, chiếc lá, với những hơi thở vào ra. Dần dần ta cảm nhận được liên hệ mật thiết giữa ta và sự sống.

Trong quá trình tu học, chánh niệm đã giúp tôi vun trồng và hiến tặng tình yêu cho chính tôi, cho tôi thật sự có một cái gì đó để hiến tặng cho người khác, và để khi một ai muốn trao tặng tình thương cho tôi thì tôi sẽ không vì sợ hãi mà chối bỏ hay vì cô đơn mà nắm bắt. Tình thương phải đến từ sự đồng cảm, thông hiểu, chấp nhận và tin tưởng lẫn nhau. Chỉ như vậy nó mới là tình thương đích thực. Chỉ như vậy ta mới có một cái gì đó chân thật và ý nghĩa để hiến tặng cho tự thân và cho nhau.

.
⋆ Tri kỷ là ai? ⋆ Chân Đẳng Nghiêm
(trích Phương thức chánh niệm mầu nhiệm)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#ChanDangNghiem

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s