
The Hague, 21/07/ 1882
Em trai thương mến,
Đã khuya rồi, nhưng anh vẫn muốn viết thư cho em. Dù cho em không có mặt ở đây – anh vẫn cần em và cảm thấy anh em ta không hề xa cách nhau.
Ngày hôm nay, anh đã tự hứa với bản thân một chuyện, đó là sẽ coi bệnh tật của mình, hoặc những tàn dư còn sót lại của nó, là không tồn tại. Đã mất quá nhiều thời gian rồi, công việc cần được tiếp tục.
Vì vậy, khỏe hay không khỏe, anh cũng sẽ vẽ đều đặn từ sáng tới tối. Anh không muốn lại phải nghe bất cứ ai nói với mình: “ồ lại là mấy bức tranh cũ”.
Hôm nay anh đã vẽ phác thảo một cái nôi em bé với một chút sắc màu trong đó. Anh cũng đang vẽ dở một tác phẩm giống như bức về cánh đồng mà anh đã gửi em gần đây.
Tay anh đã trở nên quá trắng với mức cho phép, nhưng anh biết làm sao được? Anh sẽ lại ra ngoài. Bởi nó chẳng đáng kể gì so với nỗi đau phải xa rời công việc. Nghệ thuật rất ghen tuông, nàng không cho phép bệnh tật được đặt vị trí cao hơn nàng.
Anh sẽ làm vui lòng nàng. Anh mong rằng, vì thế, em sớm sẽ nhận được thêm vài bức đáng kể nữa.
Những người như anh đáng ra không được phép bị bệnh. Em chắc hiểu rằng anh tôn sùng nghệ thuật như thế nào. Một người phải làm việc thật vất vả và lâu dài để đạt đến sự chân thật. Điều anh muốn và lấy làm mục tiêu khó khủng khiếp, ấy là anh còn chẳng đặt mục tiêu quá cao.
Anh muốn có thể tạo nên những bức vẽ khiến mọi người cảm động. “Sorrow” là một khởi đầu nhỏ – có lẽ những bức phong cảnh như bức “Meerdervoort Avenue,” “Rijswijk Meadows,” “Fish-Drying Barn,” cũng là những khởi đầu nhỏ. Chí ít chúng cũng truyền đạt điều gì đó từ cảm xúc của anh.
Dù là con người hay là phong cảnh, điều anh muốn truyền đạt không phải là một cái gì đó sến súa ủy mị mà là một nỗi đau đớn thật sâu sắc.
Nói ngắn gọn, anh muốn vươn tới một mức độ mà mọi người khi nói về tác phẩm của anh, sẽ nói là: người đàn ông này đã cảm nhận thật sâu lắng, người đàn ông này đã cảm nhận tinh tế. Mặc cho sự thô mộc ở anh – em hiểu chứ? – mà có khi lại nhờ nó cũng nên. Giờ mà nói vậy thì có vẻ tự phụ nhưng đó chính là lí do tại sao anh muốn dồn tất cả năng lượng của mình vào đấy.
Anh là ai trong mắt mọi người? Một con số không, một gã lập dị hay một kẻ khó ưa – một người mà không có và sẽ không bao giờ có vị trí nào trong xã hội, nói một cách ngắn gọn, thậm chí còn thấp kém hơn những kẻ thấp kém nhất.
Tốt thôi – Giả sử rằng, mọi thứ đúng như vậy, thì thông qua những tác phẩm của mình, anh muốn bày tỏ trong trái tim của một kẻ lập dị, một kẻ vô danh này, ẩn chứa điều gì.
Đó chính là khao khát của anh, mặc cho tất cả, dựa trên tình yêu hơn là lòng oán giận, dựa trên cảm xúc trầm lắng hơn là say mê bồng bột.
Mặc dù anh vẫn thường xuyên ở dưới đáy của khổ đau, vẫn có bình lặng, sự hòa hợp thuần khiết và âm nhạc bên trong anh. Anh nhìn thấy hội họa ở những túp lều nghèo nàn nhất, ở những góc bẩn thỉu nhất. Tâm trí anh hướng tới những thứ ấy với một xung lượng không sao cưỡng lại được.
Những thứ khác dần dần biến mất, và càng như vậy thì mắt anh càng sáng lên những cảnh sắc. Nghệ thuật đòi hỏi sự làm việc kiên trì, làm việc bất kể mọi thứ và sự quan sát liên tục. “Kiên trì” ở đây có nghĩa là sự lao động không ngừng nghỉ, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là không từ bỏ quan điểm của bản thân dù người khác nói thế này thế khác.
Anh không mất hi vọng đâu, em trai, rằng trong một vài năm nữa, hoặc thậm chí là từ bây giờ, từng chút một, em sẽ thấy những thứ anh làm sẽ đưa đến cho em sự hài lòng nào đó sau tất cả sự hy sinh của em.
Anh gần đây có rất ít liên lạc với những họa sĩ khác. Anh cũng không cảm thấy tệ lắm. Người ta phải chú ý đến ngôn ngữ của tự nhiên chứ không phải ngôn ngữ của những người họa sĩ. Giờ đây anh đã hiểu hơn anh của 6 tháng trước đây là tại sao Mauve 1 lại nói: Đừng có nói với tôi về Dupré 2, thà rằng bạn cứ kể với tôi về bờ mương hoặc những gì đại loại vậy còn hơn.
Điều này nghe có vẻ hơi sỗ sàng, nhưng hoàn toàn chính xác. Cảm xúc cho sự vật, cho hiện thực quan trọng hơn nhiều cảm xúc cho tranh vẽ; chí ít là nó cũng phong phú và sống động hơn.
Bởi vì giờ đây anh có cái nhìn rộng mở hơn về nghệ thuật và cuộc đời, mà trong đó nghệ thuật là những gì tinh túy nhất, nên với anh, thật giả dối và chối tai làm sao khi những kẻ như Tersteeg3 lại luôn được săn đón.
Về phần mình, anh thấy những bức tranh hiện đại có một sự quyến rũ đặc biệt mà những bức tranh ngày xưa còn thiếu. Đối với anh, một trong những biểu hiện cao quý nhất của nghệ thuật sẽ luôn thuộc về người Anh, ví dụ: Millais và Herkomer và Frank Holl 4. Với tất cả sự tôn trọng, anh muốn nói sự khác biệt giữa nghệ thuật đương đại và nghệ thuật ngày xưa có lẽ là các nghệ sĩ hiện đại là những nhà tư tưởng sâu sắc hơn…
Có sự khác biệt lớn nữa về cách truyền tải cảm xúc, ví dụ Chill October bởi Millais và Bleaching Ground at Overveen bởi Ruysdael 5. Và tương tự giữa những người nhập cư Ailen bởi Holl và những người phụ nữ đọc Kinh Thánh của Rembrandt 6. Rembrandt và Ruysdael rất siêu phàm, đối với chúng ta cũng như đối với người cùng thời với họ, nhưng có thứ gì đó trong chủ nghĩa hiện đại khiến chúng ta rúng động vì riêng tư và thân mật hơn.
Điều tương tự với tranh khắc gỗ của Swain 7 và tranh khắc gỗ của những bậc thầy người Đức ngày xưa.
Vậy nên thật sai lầm khi vài năm trước đây có một trào lưu khá thịnh giữa những họa sĩ hiện đại cố bắt chước các họa sĩ tiền bối. Đó là lý do anh nghĩ Millet 8 nói đúng: anh nghĩ thật ngớ ngẩn khi mọi người cứ cố ra vẻ cái họ không phải. Điều này nghe có vẻ thật tầm thường nhưng cũng sâu sắc khó dò như đại dương, và cá nhân anh thì thấm điều đó tận tim.
Anh chỉ muốn nói với em rằng anh sẽ quay lại làm việc thường xuyên và cũng muốn nói thêm là anh rất ngóng thư của em – cuối cùng, anh chúc em ngủ ngon.
Tạm biệt, với một cái bắt tay.
Mãi mãi là anh của em,
Vincent,
Xin em hãy nhớ tấm Ingres dày, đính kèm đây là một mẫu khác. Anh vẫn còn một nguồn cung loại mỏng. Anh có thể rửa màu nước trên những tấm Ingres dày, nhưng trên lớp mỏng, thì luôn bị mờ đi, dù không phải lỗi của anh.
Anh sẽ vẽ chiếc nôi thêm một trăm lần nữa, ngoài cái hôm nay. Với sự Kiên Trì.
—-
Chú thích
*Khi viết thư này, Vincent Van Gogh 29 tuổi
Mauve: Anton Mauve (1838-1888), một họa sĩ người Hà Lan
Dupré: Jules Dupré (1811-1889), một họa sĩ người Pháp.
Tersteeg: Hermanus Gijsbertus Tersteeg (H.G.T., T. or Mr T.) (1845-1927) một kẻ buôn tranh tại Goupil gallery ở The Hague
John Everett Millais (1829-1896), Hubert von Herkomer (1849-1914), Francis (Frank) Montague Holl (1845-1888): tên của những họa sĩ người Anh
Jacob Isaackszn. Van Ruisdael (1628/29-1682): họa sĩ Hà Lan
Rembrandt van Rijn (1606-1669): họa sĩ Hà Lan
Joseph Swain (1820-1909): họa sĩ người Anh
Jean-François Millet (1814-1875) họa sĩ người Pháp
—
⋆ Vincent van Gogh
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#VincentvanGogh