
Muốn có tác phẩm, thì phải có tác giả. Phải có tác giả có tài, có nghiên cứu đúng đắn thực tế và nắm vững kỹ thuật diễn đạt. Những câu chuyện sinh động nhất của Kháng chiến cũng trở thành tầm thường dưới tay một người viết dở. Muôn ngàn màu sắc rõ ràng của thời đại cũng bay đi mất, nếu hoạ sĩ không biết bắt lấy vào tranh. Không phải hễ bản chất sự việc là mới, là hay, thì tác phẩm nói đến nó thế tất là hay, là mới. Dụng ý tốt không đủ để tác phẩm khỏi làm độc giả chán phèo.
Tâm hồn người nghệ sĩ phải quyện, phải xe vào thực tại; tự chỗ quyện xe của tâm hồn và thực tại, mà nảy ra tác phẩm. Không có dâu thì tằm chết, không có tằm thì cũng chẳng ra tơ. Chúng ta không thể coi nhẹ con tằm, là nhà nghệ sĩ. Những nghệ sĩ có tài đem điệu cảm xúc của mình hoà kết vào chất liệu của vấn đề, đẻ ra những tác phẩm cụ thể hoá và cá thể hoá, có mang tên người làm, không trộn lẫn được. Có năng khiếu rồi (nếu không có năng khiếu thì không nên làm việc sáng tạo nghệ thuật, sẽ mất công vô ích), nghệ sĩ còn phải lao động cật lực, nghiên cứu để hiểu rất sâu cuộc sống. Anh phải tìm ra những khía cạnh mà chưa ai thấy được. Anh phải tìm ra những cách rất mới để diễn tả những cái thông thường mà mọi người đã thấy. Nghệ sĩ phải diễn đạt thực tại cách thế nào để cho chân tướng của nó lồ lộ, trẻ mãi. Những thiên tài văn nghệ tạo ra được đến cao độ, cái chất “tự phóng xạ” ấy của tác phẩm; hàng trăm, hàng nghìn năm sau, một bài thơ hay vẫn cứ phát ra những tia hấp dẫn, đem khoan khoái đến cho người đọc. (Những tác phẩm “tự phóng xạ” như thế, nhất định chủ nghĩa hình thức không thể nào tạo ra được, mà phải là tư tưởng và tình cảm của thi hào tha thiết với đời sống con người, diễn đạt bằng những chữ, những lời không thể mục nát).
Chính tài năng và những sự tìm tòi của tác giả, chính tâm hồn tác giả đóng được một con dấu riêng vào những sự vật chung. Nhưng trong tác phẩm, công chúng yêu thích cả vừa cuộc sống, và cả vừa tác giả. Người ta không thể yêu tác giả mà không có cuộc sống. Con dấu riêng rất quý báu kia không thể đóng trên không khí. Con tằm không thể tự một mình nhả ra nước bọt, mà phải ăn dâu của thực tại để nhả ra tơ. Cái tài năng không thể là một cái khung trống rỗng, mà phải diễn đạt một cái gì, một nội dung. Thần thánh hoá tài năng của nghệ sĩ, là đưa nghệ thuật vào chỗ siêu hình, duy tâm, vào chỗ tắc tỵ, vào đường chết.
Dù là tâm hồn của một thiên tài đi nữa, tâm hồn đó cũng chỉ có được là vì có thực tại khách quan. Một nhà thơ được mến yêu, vì anh có một điệu tâm hồn khi diễn đạt cuộc sống, vì anh nói tâm hồn của anh trong đó có tâm hồn muôn người. Nhưng dù anh là nhà thơ trữ tình, nếu anh chỉ nói tâm hồn cá nhân chủ nghĩa của anh, trong đó chỉ có anh ngổ ngáo huênh hoang, hoặc cùng lắm là có thêm một nhúm người như anh ba hoa nói phét, thì không có một vạn người nào thích hết. Ngồi nạo tâm hồn ra, thì trong đó chỉ có cái tự phụ mà thôi…
.
⋆ Những bước đường tư tưởng của tôi (trích)⋆ Xuân Diệu
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau #XuanDieu