
Một tác phẩm nghệ thuật chỉ tuyệt vời, có hồn, là khi nào nó xuất phát từ một sự đòi hỏi nhu cầu tâm tư. Chính bản chất của nguồn gốc nó sẽ phán định nó, chứ không có gì khác nữa. Ông thân mến, tôi không có chi để khuyên ông ngoài ra điều này: ông hãy đi vào trong tâm hồn ông, dò dẫm tận những đáy lòng sâu thẳm mà từ đó đời sống ông đã phát nguồn luân lưu. Chính nơi suối nguồn ấy, ông mới tìm được câu trả lời cho câu hỏi: tôi có cần phải sáng tác hay không? Hãy nhận lấy âm hưởng của câu trả lời ấy mà đừng cưỡng bức, tra tìm ý nghĩa. Có thể ông được gọi trở thành con người nghệ sĩ, thế thì hãy nhận tài mệnh của mình, gánh lấy thiên tài của mình với sức nặng và sự oanh liệt của sinh mệnh mà không bao giờ đòi hỏi phần thưởng đến từ bên ngoài. Bởi vì con người sáng tạo phải là cả một vũ trụ cho chính mình, phải tìm tất cả mọi sự trong tâm hồn mình, trong thiên nhiên mà mình đã lưu luyến kết hợp.
Có thể là sau khi đi sâu xuống hố thẳm trong hồn mình, trong những gì cô liêu nhất trong tâm tư mình thì ông có thể bỏ việc làm thi sĩ; (đối với tôi, mình phải cảm thấy rằng mình có thể sống không cần viết thì mình cũng không nên cố sức viết làm gì). Lúc ấy thì dù sao sự đi xuống sâu thẳm trong tâm tư ông cũng không hoàn toàn phù phiếm. Đời sống của ông, dù trong trường hợp nào, cũng lấy hướng đi từ đó. Những hướng đi ấy có thể đối với ông tốt đẹp, giàu sang hạnh phúc và rộng rãi, tôi mong chúc ông được thế, dù khó lòng nói những gì hơn nữa.
⋆ Rainer Maria Rilke
(trích Thư gửi người thi sĩ trẻ tuổi, bức thư thứ nhất, ngày 17 tháng Hai, 1903)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#RainerMariaRilke