NGHỆ SĨ VÀ NGHỆ THUẬT

Có một quan niệm nhiều nhà văn của ta hiện giờ đang tin theo: là nghệ sĩ phải chơi bời phóng túng, phải trụy lạc trong các chốn bán vui, để khi xác thịt thật mệt mỏi, thì tâm trí càng được sáng suốt. Sự chơi bời có lẽ là một giải trí của nghệ sĩ, nhưng tất không phải là một cái cần cho nghệ thuật chút nào.

Có lẽ, một nghệ sĩ có tài năng khác người, thường hay chơi bời phóng túng, không chịu buộc mình trong các lề lối thông thường. Nhưng sự phóng túng ấy là một trạng thái của tâm hồn nghệ sĩ, chứ không phải là một trạng thái của tài năng, và nghệ sĩ không bao giờ nghĩ rằng sự ấy có ích lợi gì cho công nghiệp của mình. Còn những kẻ không có tài, dẫu có bắt chước chơi bời và trụy lạc đến mực nào nữa, cũng không thể vì thế mà nẩy nở ra tài được.

Cũng theo một số quan niệm như thế, họ tưởng rằng nhà văn phải là người đã nghe rộng, đi nhiều, đã lăn lộn khắp đây đó để có nhiều kinh nghiệm trong cuộc đời. Nhưng đối với một người không có tài năng thì đi nhiều cũng không đem lại được ích lợi gì. Còn đối với người biết trông và suy xét, họ không cần đi đâu cả, cuộc đời hàng ngày bao bọc chung quanh cũng đã cho họ thừa tài liệu. Nhiều tác phẩm chứng rằng tác giả biết rất nhiều, nhưng mà vẫn sống rất ít.

Ta quen nhìn đồng hồ đến nỗi tưởng rằng thời gian ở trong ấy. Bao nhiêu người vì thói quen, vì tập quán, đã lấy cái bề ngoài làm sự thật, cử chỉ làm tính tình, khuôn sáo làm tâm lý.
Thật rất khó khăn mà phân biệt được giả với thật, cái mầu mè với sự rung động, cái nghề khéo léo với sự sống sâu xa. Có những cách bầy đặt đẹp đẽ đến nỗi người ta bị lóa mắt. Có bao nhiêu tác phẩm trong đó cảm hứng của tác giả thay bằng một vài khuôn sáo hợp thời, tâm lý nhân vật thay bằng ý muốn xinh đẹp, sự thuần tay thay cho nghệ thuật!

⋆ Theo giòng (trích) ⋆ Thạch Lam

⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#ThachLam

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s