
Ý nghĩa của hai chữ cô đơn thật ra quá giản dị, chỉ là một mình, cô là một mình, lẻ loi, đơn cũng là một mình, đơn chiếc. Một mình, nhưng cái một mình này, ngoài cái thân thì còn có cái tâm, ngoài cái phần vật chất thì còn có cả phần tinh thần, tâm linh. Chỉ một mình, biểu hiện qua thể xác và cũng chỉ một mình, biểu hiện qua phần tinh thần. Khi nói cô độc, là nói đến cái thân xác, chỉ có một mình nó. Khi nói cô đơn là nói cái phần tinh thần, cũng chỉ một mình nó. Mình với Mình. Ta với Ta. Cái Mình, cái Ta ở ẩn phía bên trong cái thân thật quá phức tạp và… lăng nhăng như một chùm dây thần kinh trong bộ não! Nhìn thoáng qua những tưởng là đơn sơ nhưng cái Mình cái Ta này cũng có thể là đầu mối của muôn vàn tai họa, hạnh phúc hay khổ đau, chiến tranh hay hòa bình!
…
Con người cô đơn là vì luôn luôn chờ đợi sự đền đáp, sự tôn vinh, sự thừa nhận, sự công nhận, sự đánh giá đúng tầm vóc, tương xứng với tài năng, đức độ của mình, hay chỉ là phù du như sắc đẹp, tướng tốt hiện ra bên ngoài. Chờ đợi sự đền đáp bằng tinh thần, bằng tình cảm cũng như vật chất. Chính sự chờ đợi này gây khổ cho con người. Vì không bao giờ có sự chờ đợi mà được đáp lại trọn vẹn, hoàn hảo. Tâm con người chao đảo như chim trúng đạn. Như vậy chuyện điều phục tâm trong Phật giáo là hợp lý hợp tình, hợp thời hợp thế. Bất cứ trường hợp nào, bất cứ hoàn cảnh nào đều phải dụng Tâm để bên trong vững vàng trụ trong an lạc, bên ngoài, ngoại cảnh chẳng thể xâm phạm làm điêu đứng, mất thăng bằng. Nhưng con đường điều phục Tâm không phải dễ dàng. Đó là một lộ trình khá dài và gian nan, cần nhiều nghị lực.
…
Chẳng phân biệt là thường dân, là văn nhân, là nghệ sĩ, là thiên tài hay vĩ nhân, ai cũng như ai, ai cũng có những niềm đau nỗi khổ, ai cũng có những lúc thăng trầm, thịnh suy, được khen, bị chê, hài lòng hay không hài lòng với cuộc sống, với những gì đang có trong hiện tại, ai cũng biết thế nào là cô đơn, là không được chia sẻ và cảm thông, chấp nhận. Tám ngọn gió trần gian luôn luôn thổi trong cuộc đời buồn nhiều, vui ít này, làm cho con người lao đao, dằn vặt, khổ tâm. Chính cái Tâm chịu ảnh hưởng trực tiếp của mọi sự diễn biến ở bên ngoài, nếu chỉ chờ đợi sự đổi thay ở bên ngoài e rằng khó mà thực hiện được. Chi bằng hướng vào bên trong, chuyển Tâm thành an lạc, an nhiên, thì nỗi cô đơn nào cũng nhẹ nhàng như cơn gió thoảng qua, không là bão nổi, có khi hại cả mình, nguời và vật chung quanh.
…
Ta thấy chữ Lòng trong dân gian không khác gì chữ Tâm trong Phật giáo. Chứng tỏ đạo lý được tìm thấy rất rõ và rất gần với con người qua dân gian, những con người thường dân, phàm phu và vô danh nhưng thực ra chẳng thường, chẳng phàm chút nào vì nội dung của những câu ca dao luôn sâu sắc mà lại thực tiễn, không xa rời đời sống và tuy là vô danh, nhưng lại được truyền tụng từ thế hệ này sang thế hệ khác không gián đoạn, còn “nổi danh” hơn là những tác giả đã có danh, cũng như làm phong phú cho nền văn học nước Việt ta vậy.
Nỗi cô đơn của con người, phải chăng, là vắng mặt cuộc đối thoại giữa mình và người. Một khi được bày tỏ, diễn tả, nói ra thì nỗi cô đơn sẽ không còn, cho dù không được cảm thông. Cũng thế, khi hành động mà không mong chờ thì cũng tránh được cô đơn. Bởi mong chờ không bao giờ được đáp ứng như mong đợi.
Nhưng rồi nỗi cô đơn vẫn đẹp vì cô đơn đã được biến thành những vần thơ bất hủ, những dòng nhạc tuyệt vời. Xin cám ơn tất cả các thi sĩ trên đời và nghiêng mình lắng nghe Tristesse của Chopin.
⋆ Cô đơn (trích) ⋆ Lê Khắc Thanh Hoài
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#LeKhacThanhHoai