
Có một sự khác biệt rất lớn giữa câu “thế là khôn ngoan” và câu “thế là thông thái”. Cái khôn ngoan chẳng phải lúc nào cũng là thông thái, còn sự thông thái trong con mắt của lý trí lạnh lùng chẳng bao giờ có vẻ là khôn ngoan. Ví như, lý trí sinh ra công lý, thì sự thông thái lại sinh ra lòng nhân hậu, mà như ông lão Plutarque đã nhận xét, “lan tỏa xa hơn công lý”. Chủ nghĩa anh hùng phụ thuộc vào cái gì, – vào lý trí hay vào sự thông thái? Có thể nói rằng, sự thông thái chẳng là cái gì khác ngoài cái cảm nhận về sự vô hạn trong ứng dụng đối với đời sống đạo đức của chúng ta. Thật ra, lý trí bẩm sinh ra cũng đã có cảm nhận về cái vô hạn, nhưng trong nó cái cảm nhận này tồn tại như một thực tại chết. Vốn trong mọi việc chỉ chịu ơn chính bản thân mình, lý trí chẳng cần coi trọng cái cảm nhận này của cuộc sống, trong khi sự thông thái là thông thái chỉ ở mức độ mà cái vô hạn có được ưu thế chủ động với mọi hành động của nó.
Trong lý trí không có tình yêu, nhưng trong sự thông thái rất nhiều tình yêu. Và sự thông thái cao cả nhất chẳng mấy khác cái tinh khiết nhất trong tình yêu. Còn tình yêu lại là hình thức thần thánh nhất của cái vô hạn; và không còn nghi ngờ gì nữa, vì nó mang tính thần thánh, nó đồng thời cũng mang nhân tính sâu sắc nhất. Có lẽ vì thế nên nói rằng sự thông thái là chiến thắng của lý trí thần thánh trước lý trí của con người.
Sự thông thái là ánh sáng của tình yêu, và ánh sáng được tình yêu nuôi dưỡng. Tình yêu càng sâu sắc hơn thì nó càng trở nên thông thái hơn, và sự thông thái càng cao cả hơn thì nó càng gần với tình yêu hơn. Cứ yêu đi, và bạn sẽ trở nên thông thái; để trở nên thông thái, bạn sẽ cần phải yêu. Đúng là ta có thể yêu chỉ khi ta trở nên hoàn thiện hơn, mà trở nên hoàn thiện hơn có nghĩa là trở nên thông thái hơn. Chẳng có một người nào trên thế gian lại không làm cho một điều gì đó trong tâm hồn mình tốt đẹp hơn kể từ thời khắc anh ta yêu một người khác, ngay cả khi ta chỉ nói đến tình yêu thông thường. Và có những người yêu bằng một tình yêu thủy chung, yêu không ngơi nghỉ, chỉ vì họ không ngừng tự hoàn thiện. Tình yêu nuôi dưỡng sự thông thái, và sự thông thái nuôi dưỡng lại tình yêu; chúng hình thành quanh nguồn sáng, mà ở trung tâm của nó những người đang yêu ôm chặt lấy những nhà thông thái. Sự thông thái và tình yêu là không thể tách biệt, và nơi thiên đường của Svedenborg, người vợ là “tình yêu của nhà thông thái đối với sự thông thái”.
⋆ Thông thái và số phận (trích)⋆ Maurice Maeterlinck
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#MauriceMaeterlinck