CUỘC SỐNG

Sợ hãi, chứa đựng trong nó một dạng năng lượng mạnh mẽ – cũng như giận dữ ghen tuông, ngờ vực vậy – và vì là năng lượng ta không thể hủy diệt nó mà chỉ có thể chuyển hóa nó thành một dạng năng lượng khác. Sợ hãi, giận dữ, âu sầu chứa một năng lượng làm ta suy kiệt, càng nén nó xuống thì ta càng bị trầm cảm thêm, bị tâm thần nặng thêm lên mà thôi. Nhưng chuyển hóa năng lượng đó cách nào? Các chuyên gia tâm lý khuyên chỉ cần “nhìn thẳng” nó, nhận ra nó, mà không cần phê phán. Bởi vì phê phán thì sẽ có cảm xúc, xúc động đi kèm. “Nhìn”, “nhận ra”, “hiểu”, “đối diện” … nó thì nó sẽ tự biến đổi, chuyển hóa. Thật không dễ! Vậy nên mới phải cần thực tập, rèn luyện dài dài. “Thở” và biết mình đang thở vào ra (chánh niệm) là một kỹ thuật. Không phải vô lý mà người ta thỉnh một tiếng chuông, người ta lần tràng hạt … với điều kiện là nhớ thở chánh niệm đi kèm!

Sắc bất dị không. Sắc tức thị không… Thọ tưởng hành thức cũng là Không, Không cũng là thọ tưởng hành thức là một cách nói triệt để, nhằm tiến tới cái Một, cái “Bất Nhị”, cái không hai. Người nghệ sĩ có thể trực giác ngay những điều đó mà không cần lý giải: “Tôi là em và em cũng là tôi” (Trịnh Công Sơn).

Tâm Kinh có thể được trực nhận qua trực giác, nhưng nó lại là chỗ “trí tuệ” rốt ráo nhất. Sariputra, Xá lợi tử “là đại đệ tử của Phật, được Phật khen là Trí tuệ đệ nhứt trong các đại đệ tử của Ngài”. Phật đã không giảng Tâm Kinh cho ai khác trong mười đại đệ tử của Ngài, mà chỉ nói cho Xá lợi tử, người trí tuệ bậc nhất là có lý do. Tâm Kinh còn gọi là “Diệu pháp trí độ”, một pháp tuyệt diệu dùng trí tuệ để “độ” người!.

Thật vậy, khi “chiếu kiến” được “ngũ uẩn giai không” rồi thì bản ngã đã tan biến (vô ngã). Không có ngã thì không còn gì vướng víu được nữa rồi. Vô ngã rõ ràng là cái thấy tối hậu. Nhưng vô ngã mà vẫn cứ là ngã, cái ngã mới, cái ngã trong vô thường, trong thay đổi, cái ngã do gắn bó, do tương tác ra trăm cái ngã mà thực ra không có cái ngã nào cả, không có ngã nào cả mà thực ra có ngã, chân ngã, thật ngã.

Osho viết đại ý: “Cuộc sống đòi hỏi nhiều can đảm. Những kẻ nhút nhát chỉ có tồn tại, họ không sống, bởi toàn bộ cuộc đời họ quay quanh sự sợ hãi … Sợ những điều hiện hữu và cả những điều không hiện hữu. Sợ địa ngục, sợ ma quỷ, sợ thần thánh: kết quả của sự tưởng tượng của họ…”.

Cuộc sống tự nó là nỗi hiểm nguy và sự bất an, sự chuyển động bất tuyệt, và tự nó cũng là nỗi hân hoan, là niềm cực lạc. Thật là tuyệt khi ý thức cuộc sống là vô thường, luôn thay đổi, chuyển động, nó cho phép ta tự do, khám phá, sáng tạo, ngạc nhiên. Người ta được hồn nhiên, trở thành trẻ con, hòa mình vào cuộc sống thực, không ảo tưởng, không đòi nó phải thế này, phải thế khác để rổi tuyệt vọng, thất vọng vì không được như ý, cũng chẳng khoái ru?

.

⋆ Nghĩ từ trái tim (trích) ⋆ Đỗ Hồng Ngọc

⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆

#noimotcaycau#DoHongNgoc

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s