HƠI THỞ

Sau cơn bệnh thập tử nhất sinh nọ, có một vài khoảnh khắc hình như tôi nhận ra một cái tôi khác trong tôi. Tôi như buông trôi và nhẹ hẫng. Tôi bất ngờ và dễ chịu. Tôi nghiệm ra rằng khi trong ta tràn ngập một nỗi “lo” lớn hơn thì mọi thứ lăng xăng vọng động trở thành vô nghĩa. Chỉ cần chú ý vào hơi thở của mình thôi thì hình như thân ta cũng nhẹ nhàng vì cái duy nhất còn là cái hơi thở vào thở ra rất quan trọng mà ta vốn hay quên. Thở ở trong ta mà cũng như ở ngoài ta; không có ta không cần ta vận. Nếu tập trung vào cái hơi thở đó thôi, ta có vừa thở tốt hơn, hiệu quả hơn về mặt sinh lý mà còn làm quên đi những nỗi phiền muộn lo âu làm ta khổ đau, tức là được an vui cả về mặt tâm thần.

Cái may mắn của ta là động tác thở vừa tự động lại vừa kiểm soát được. Thở ra hết thì tự động thở vào. Thở vào hết lại tự động thở ra. Nhưng ta có thể kiểm soát làm cho thở nhanh, thở chậm, thở cạn, thở sâu được. Cái may mắn thứ hai là khi đầu óc ta phải bận suy nghĩ về điều này thì không thể cùng lúc nghĩ về điều khác. Vì vậy mà ta kết hợp lại: vừa thở và quan sát sự thở, để ý đến hơi thở vào, ra, dài, ngắn ra sao … ta sẽ quên suy nghĩ đến chuyện khác, nhờ đó mà đầu óc ta tĩnh lặng lại, thư giãn ra. Khi giận, ta “mất khôn”: hơi thở ta trở nên dồn dập, không kiểm soát được. Nếu ta nhớ lại, và theo dõi hơi thở, ta sẽ quên giận vì trí óc ta bận tập trung vào nhịp thở, vào cách thở, không có thì giờ nhớ chuyện giận nữa. Một lúc thì giận đã nguôi. Đây là một hiện tượng sinh lý. Người nào kiểm soát được hơi thở thì kiểm soát được tâm. Cho nên Thiền phải bắt đầu bằng kiểm soát hơi thở. Phật đã dạy điều này từ hai ngàn năm trăm năm trước trong kinh “Quán niệm hơi thở”. Phật đã giảng dạy không chỉ “lý thuyết” như chánh kiến, chánh tư duy mà còn dạy cả kỹ năng, cả phương pháp như chánh niệm, chánh định. Một khi tâm đã nhờ thiền mà yên tĩnh, lúc đó mới có thể đi vào từng ý, từng lời trong Tâm Kinh được, để thấy được cái duyên sinh duyên khởi, cái vô ngã, vô thường nhờ đó mà không còn sợ hãi, vô úy, giải thoát. Osho bảo thiền là một “cái mẹo”, khi nắm bắt được nó rồi có thể định tâm tùy ý. Nếu thiền là một cái “mẹo” hẳn phải có một kỹ thuật nào đó có hiệu quả. Nhưng “kỹ thuật” đó là gì? Osho nói chỉ cần một người quan sát, không truy cứu, không phê phán, không định kiến là đủ để tâm nhảy nhót dừng lại. Như bầu trời trong, mây đến xây thành, tạo bao hình tượng, không thấy bầu trời nói gì bèn tự tan biến đi. Rồi lại đến, rồi lại đi. Bầu trời cứ quan sát, không phê phán. Sóng ầm ầm đủ kiểu, đại dương chỉ mở rộng lòng, không phê phán. Cũng vậy, ý tưởng cứ đến và đi. Nhưng quan sát vẫn còn là một cố gắng. Không cần thế, chỉ chứng kiến thôi là đủ. Tóm lại, quan sát, chứng kiến các ý tưởng một cách bàng quan, không phê phán. Thực ra hoàn toàn không dễ. Phải thực tập dài dài.
.
⋆ Nghĩ từ trái tim (trích) ⋆ Đỗ Hồng Ngọc

⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#DoHongNgoc

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s