
Khi con người nghe thấy Lời Tuyên Bố, Guénon viết, là lúc nó dự phần với sự kết nối giữa Trời và Đất, ở dưới nghe thấy ở trên nói gì. Đây là trạng thái bình thường của con người. Đây là sự tỉnh táo, sự tỉnh thức (vidja).
Kẻ mộng du không là ai khác ngoài vẫn là con người đó, vì sống trong một sự tỉnh táo đã suy thoái nên nó không nghe thấy Lời Tuyên Bố. Trong trạng thái mộng du, nền tảng cơ bản không mất đi mà chỉ vì nhận thức của con người suy giảm nên con người không nhận ra nó.
Tìm sự tỉnh táo, thức tỉnh không phải là vấn đề của học hành sách vở. Trong thế giới hiện đại ngày nay không có những bước đi phù hợp để tìm thấy sự tỉnh thức. Ngày nay người ta chỉ biết học, cùng lắm biết đến sự giáo dục.
Nhập định không là gì khác ngoài việc bình thường hóa ý thức đã bị suy thoái của sự tỉnh táo, tỉnh thức. Là cách thức hiện thực hóa nền tảng cơ bản trong mọi con người, mọi thời đại. Là việc chấn chỉnh lại sự thoái hóa, hay dùng từ khác là cách hiện thực hóa lại trạng thái nguyên sơ. Đây là điều trong thời hiện đại người ta đã quên mất, chỉ vì không thực hiện nổi.
Sự thay đổi cơ cấu ý thức không phụ thuộc vào kiến thức và học hành. Thu thập kiến thức và học hành chỉ cần đến tài năng, và bằng tài năng chỉ dẫn đến một cá nhân ngoại lệ. Kiến thức thực chất không dẫn đến bất kỳ đâu dù kiến thức lớn đến mấy, thậm chí kiến thức càng lớn sự hiểu biết càng ít.
Bởi vậy có thể có những kẻ mang một số lượng kiến thức khổng lồ nhưng vẫn là một con người hạ đẳng. Số lượng và chất lượng kiến thức lớn đến đâu cũng không có tác dụng chuyển đổi ý thức.
Sự hiện thực hóa thực ra giống như đạo đức, bởi vì một kẻ muốn sống một đời sống có đạo đức không cần kiến thức mà cần sự quyết định.
Kiến thức mang tính chất ngoại lệ và cá nhân, còn đạo đức mang tính chất tổng quát và bắt buộc cho tất cả mọi người.
Những văn bản của truyền thống điều chỉnh từng bước ý thức bị hư hoại từ mọi sự truyền bá kiến thức đủ các thể loại và đánh thức con người khỏi tình trạng mộng du, để đưa họ đến một quá trình chuyển hóa như thế nào đấy.
Đạo Đức Kinh và Trang Tử đưa con người đến quá trình chuyển hóa này, ở người Hi Lạp là Orfika, ở người Do Thái là Kabbala, ở người Ả Rập là Sufi, nhưng trước hết và cao nhất là yoga Ấn Độ.
Đây là sự thanh toán từ từ những rối loạn bất an một cách có phương pháp và là sự ngăn chặn những biến đổi tư tưởng (citta-vrtti-nirodhah).
Đây là sự trấn an các xúc cảm và các hành động. Để giữ linh hồn trong tĩnh tại. Như Đạo đã dạy, tâm trí cần như mặt hồ phẳng lặng, để có thể đọc một cách rõ ràng những chỉ dẫn của sự sống siêu nhiên từ trên cao.
Đây là thứ con người không thể đạt được bằng học tập, bằng kiến thức và bằng sự giáo dục. Đây là thứ không cần đến tài năng, là thứ ai cũng có thể đạt tới, bởi trong mỗi con người đều gìn giữ một nền tảng cơ bản và một ý chí để thực hiện nó, nhưng cũng là thứ dễ bị lu mờ và bị phá vỡ nhất, dễ lung lay và dễ rối loạn nhất.
⋆ Niềm cảm hứng ⋆ Hamvas Béla
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#HamvasBela