
Có một thời tôi cần viết nhạc như cần thở vậy. Thời trẻ trung, vọng động, thở nhiều, viết khỏe. Càng lớn công việc hô hấp càng đề huề, bớt căng thăng, nhịp viết lách có bề lả lơi lai rai hơn.
Có một bầu không khí dành cho sự hít thở. Vì hô hấp quá cần cho sự sống nên không mấy ai chịu lười thở. Người ở đồng bằng thở theo kiểu sông rạch trôi đi miên man lở bồi phù sa, nước phèn, mặn, ngọt. Người thung lũng thở kiểu ẩm đục sương giăng. Người ở trên non thở hồn nhiên lãng đãng.
Tôi đã đi qua những bề thế ấy, viết và thở. Có khi viết thở kiểu hào hoa phong nhã công tử Bạc Liêu. Có khi hồn xiêu phách lạc viết thở theo phong thái ngỡ ngàng rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh. Lại có lúc thơ thới hồn nhiên viết thở tựa hồ như những bước chân hân hoan của “Hoàng tử bé” rong chơi qua mọi vùng sinh thái tinh cầu.
Thời đại chúng ta đang sống, con người xô đẩy nhau la ó về chuyện cần làm sạch sẽ môi sinh. Càng văn minh càng ô nhiễm khó thở. Không khí vốn là một món ăn thiên nhiên tạo hoá đã dành sẵn cho lá phổi. Bỗng một hôm, hai bữa, ba bốn ngày nọ tiếp nối đổ xô về hàng loạt những thứ bụi bặm kệch cỡm múa may rối rắm trên trời dưới đất, trên nguồn dưới lũng, không dung tha, không khoan nhượng. Thứ bụi rác độc hại đã xé toang buồng phổi sự sống của chúng ta. Mọi thứ sinh linh khác cũng khó bề tồn tại.
Không khí vốn vô tư. Ai muốn thở cũng được.
Tôi vốn viết nhạc cũng như thở vậy.
Có điều khi thở tôi chọn cái không khí trong lành để cho lá phổi không than phiền và cái sự hô hấp cũng bớt đi phần gian nan.
Một bài hát cũng vậy. Hát để thăng hoa đồng thời cũng để an ủi. Sản phẩm văn nghệ chỉ đẹp khi có khả năng xoá đi những nỗi giận hờn. Nó có bao giờ, muốn đèo bòng một thứ khác để tự hủy diệt nó đâu.
⋆ Viết và thở ⋆ Trịnh Công Sơn
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆