
Ta phải làm thế nào khi mà người đó dường như không chịu thay đổi mặc dù ta đã hết lòng giúp đỡ? Liệu ta có nên tiếp tục giúp người đó nữa hay không? Để có được một câu trả lời đúng đắn, chúng ta phải nhìn sâu hơn vào mối quan hệ giữa ta và người đó. Dù đó là quan hệ giữa con trai và cha hay con gái và mẹ cũng như quan hệ vợ chồng, nếu chúng ta có khó khăn với người đó và muốn người đó thay đổi thì điều đầu tiên chúng ta cần phải làm là nhìn sâu vào chính ta và vào người đó để thấy rõ mối liên hệ giữa ta và người đó.
Ta thường hay nghĩ rằng người đó ở ngoài ta. Đó không phải là một cái thấy đúng đắn, không phải là chánh kiến. Trong trường hợp câu hỏi này, ta nghĩ rằng cha của ta là một đối tượng nằm ngoài ta. Và ta chỉ cần thay đổi đối tượng bên ngoài đó chứ không phải là bên trong ta. Nhưng sự thực thì chúng ta cần phải nhìn thấy rằng cha của chúng ta đang nằm bên trong chúng ta, người cha đó đang có mặt trong từng tế bào của cơ thể ta. Chúng ta là sự tiếp nối của cha. Vì vậy sẽ dễ dàng hơn nếu chúng ta thay đổi người cha bên trong chúng ta trước tiên, và chúng ta có thể làm điều này 24 giờ mỗi ngày. Ta không cần phải đi đến gặp người đó, nói chuyện với người đó để cho người đó thay đổi. Cách ta thở, cách ta đi cũng đã có thể thay đổi người đó trong chính ta rồi. Chúng ta chỉ cần mời cha đi thiền hành cùng ta, ngồi cùng ta, mỉm cười cùng ta, rồi thì người cha đó trong ta sẽ thay đổi. Nếu không làm được như vậy thì khi chúng ta lớn lên, chúng ta cũng sẽ hành xử y hệt cha của mình.
Có nhiều đứa trẻ rất ghét cha của mình và tự hứa rằng khi lớn lên sẽ không hành xử và nói năng như cha của chúng. Nhưng rồi khi lớn lên, chúng vẫn hành xử y hệt và cũng nói năng y hệt cha của chúng vậy. Điều này đã xảy ra nhiều rồi. Mình ghét điều đó, mình không muốn làm điều đó, mình không muốn nói những lời như vậy. Ấy vậy mà mình vẫn sẽ làm, vẫn sẽ nói y hệt như vậy, không khác. Đạo Bụt gọi đó là samsara, nghĩa là luân hồi. Chúng ta tiếp nối cha của mình không chỉ trong hình hài này mà còn trong cách sống của chính ta. Đó là lý do vì sao khi gặp được pháp môn thực tập của đạo Bụt, chúng ta có cơ hội để thay đổi người cha đó trong ta trước tiên. Khi chúng ta đã thay đổi được người đó trong mình rồi thì cha của chúng ta sẽ không tiếp tục luân hồi nữa. Và ta sẽ không tiếp tục trao truyền tập khí đó cho con cháu của chúng ta. Nhờ vậy mà ta chấm dứt được vòng luân hồi. Khi người cha trong chúng ta đã thay đổi, đã chuyển hóa thì sự thay đổi và chuyển hóa của người cha bên ngoài sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Đó là kinh nghiệm của chính Thầy.
…
⋆ Nhìn sâu vào chính mình ⋆ Thích Nhất Hạnh
(trích buổi vấn đáp với Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngày 24/7/2012 tại xóm Thượng, Làng Mai trong khóa tu mùa hè – được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh)
⋆⋆⋆ Nối một cây cầu về phía ánh sáng ⋆⋆⋆
#noimotcaycau#ThichNhatHanh